Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch COVID-19
23/02/2021
Sáng 19/02/2021, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch COVID-19. GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị...
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Nguyễn Trường Sơn; Đỗ Xuân Tuyên; Trần Văn Thuấn. Đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ/Cục/Văn phòng/đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.
Tại điểm cầu địa phương có đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh/Thành phố; các Bệnh viện/Viện/ Trung tâm y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế 63 tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan.
GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: ngày 18/02/2021, Bộ Chính trị đã họp, nghe báo cáo công tác phòng, chống dịch và Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm quý I/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài. "Dịch COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021" – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh lại quan điểm, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là người đứng đầu cấp uỷ phải chịu trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn của mình, chỉ đạo trực tiếp với công tác này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: dịch lần này là đợt dịch tương đối phức tạp vì cùng là vi rút biến đổi, tốc độ lây nhanh hơn 70%. Đặc điểm dịch tễ học lần này là dịch trong khu công nghiệp; số mắc cao, trung bình 20 ca mắc mới/ngày…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý các địa phương một số điểm như:
Thứ nhất các địa phương phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không chủ quan, lơ là với phòng chống dịch; phải vận dụng triệt để phương châm "4 tại chỗ" để khi dịch xảy ra có phương án ứng phó ngay. Tinh thần này, theo Bộ trưởng, đã được quán triệt ngay từ đầu năm 2020, khi dịch mới xảy ra ở Việt Nam. Không được chủ quan, không được lơ là, không được nghĩ dịch không xảy ra trên tỉnh mình; phải chuẩn bị tất cả các phương án, kịch bản khi bùng phát dịch. Trong đó, phải có kịch bản cho cách ly và giãn cách (cách ly ít và nhiều F1), nếu không chủ động sẽ luống cuống, khó khăn khống chế dịch, Bộ trưởng nhấn mạnh..
Thứ hai, cần chuẩn bị tất cả kịch bản khi bùng phát dịch, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương kiểm tra toàn tình cơ sở nào có thể cách ly và lên kịch bản sẵn sàng, cung cấp nhu yếu phẩm, theo dõi sức khỏe…Khi cách ly cần phối hợp chặt chẽ với quân đội, để quân đội điều hành, vì cách ly trong dân sự chưa nghiêm nên có thể lây nhiễm chéo. Nếu không chủ động, sẽ rất bối rối, khó thực hiện khi yêu cầu các biện pháp phải nhanh, thần tốc…
Thứ ba, theo Bộ trưởng, nếu chỉ 1-2 địa phương có dịch thì Bộ Y tế có thể đáp ứng được nhưng nhiều địa phương có dịch thì sẽ rất khó khăn. Tất cả các địa phương cũng cần có phương án xét nghiệm, với lấy mẫu, xét nghiệm diện rộng, do đó, phải tập huấn nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm và sẵn sàng trang thiệt bị, cho tình huống dịch bùng phát. Các bệnh viện tại các địa phương cần chủ động xét nghiệm sàng lọc, tuyệt đối không chủ quan. “Virus lần này là virus biến đổi, tốc độ lây lan nhanh hơn 70%. Chúng ta phải thần tốc chặn các nguồn lây, nếu chậm là đuổi theo dịch, không chặn được dịch; càng đuổi chúng ta càng đuối”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý.
Riêng tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý phải thực hiện nghiêm hơn vấn đề giãn cách xã hội, không để dịch lây nhiễm trong khu phong tỏa, không để gia đình này vẫn giao lưu với gia đình khác…
Thứ tư là chuẩn bị phương án điều trị, các cơ sở y tế phục vụ khám chữa bệnh bình thường nếu xảy ra chuyển bệnh nhân đi đâu. Vì thế, đề nghị khi phát hiện ổ dịch, nhiều ca bệnh, các tỉnh phải có nhiều phương án.
Quang cảnh Hội nghị
Về công tác xét nghiệm Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị các phương án, nâng công suất xét nghiệm trong thời gian ngắn mới giảm tải được. Tất cả các nhân viên y tế phải được tập huấn lấy mẫu, chia nhỏ để lấy mẫu, tại gia đình, cộng đồng, tại khu cách ly…
Riêng với tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế chỉ đạo phải thiết lập ngay 2 bệnh viện dã chiến, hôm nay sẽ đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến thứ 3.
Với các địa phương khác, thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở y tế lên tục phải sàng lọc. "Địa phương đừng coi vì không có ca bệnh mà không chủ động làm xét nghiệm, không làm sàng lọc" bởi nếu phát hiện càng sớm, tiến hành dập dịch càng nhanh.
Về vấn đề nhập khẩu vaccine, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chủ trương của Bộ Chính trị là làm thế nào để có vaccine cho mọi người dân. Vì thế, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các tổ chức để có vaccine cho Việt Nam.
204.000 liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên dự kiến về tới Việt Nam ngày 28/02/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Bộ Y tế cũng đã thực hiện cơ chế cấp phép trong tình huống khẩn cấp, các thủ tục được hoàn thành chỉ trong vòng 5 ngày. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn vaccine nhập khẩu đưa vaccine về Việt Nam, để cố gắng trong năm 2021 mọi người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với vaccine để tái khởi động phát triển nền kinh tế.
Hình ảnh trực tuyến điểm cầu các địa phương
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đại diện Cục Y tế dự phòng báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh báo cáo về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở khám,chữa bệnh; đại diện Cục Công nghệ thông tin Giới thiệu Ứng dụng Tờ khai Y tế điện tử QRCode và một số địa phương báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn./.
Nguồn: moh.gov.vn